Nội dung Châu_bản_triều_Nguyễn

Châu bản triều Nguyễn về thực thi chủ quyền ở Hoàng Sa (黄沙), ngày 13 tháng 7 năm Đinh Dậu niên hiệu Minh Mạng thứ 18 (ngày 13 tháng 8 năm 1837).

Bút phê của các vua nhà Nguyễn trên các Châu bản triều Nguyễn có sáu loại[3], gồm:

  • Châu điểm: là một nét son được các hoàng đế (vua) chấm lên chữ đầu một đoạn văn bản, mà đoạn này mang nội dung ý kiến của cơ quan soạn thảo ra cái văn bản nhà nước (tấu chương) đó, trùng với quan điểm của vua.
  • Châu phê: là một đoạn từ ngữ, hoặc một câu, hay một đoạn văn gồm vài câu do các vua nhà Nguyễn đương thời viết, chèn vào đầu, giữa, hay cuối các dòng văn bản gốc (tấu chương) của các cơ quan nhà nước soạn. Đoạn phê thể hiện quan điểm của vua, hoặc là ý kiến chỉ đạo của vua đối với các cơ quan này.
  • Châu khuyên: là vòng tròn son được nhà vua khuyên quanh một điều khoản hay một tên người hoặc một vấn đề được nhà vua chuẩn thuận.
  • Châu mạt: là nét son được phẩy lên tên người hay vấn đề nào đó, thể hiện sự lựa chọn của vua, nhưng cũng có thể là sự không chấp thuận của vua.
  • Châu sổ: là nét gạch xóa văn bản gốc (do văn bản hành chính nhà Nguyễn từ đầu thế kỷ 20 về trước là văn tự chữ Hán được viết theo chiều đứng khổ giấy), nên chúng là những nét son gạch sổ trực tiếp trên mặt các con chữ của các đoạn văn bản tấu chương cần phải sửa chữa hoặc không được vua chấp nhận chuẩn y.
  • Châu cải: thường đi kèm với châu sổ, là những từ ngữ, câu cú, hay đoạn văn do vua ngự phê bên cạnh những chữ đã bị châu sổ, nhằm sửa ý tứ hoặc thể hiện quan điểm của vua.